NỮ BÁC SĨ 43 TUỔI: NẾU CÓ KIẾP SAU, TÔI SẼ KHÔNG CHỌN NGHỀ Y

     
“Nếu được chọn lại, tôi sẽ không làm bác sĩ nữa”, đó là lời tâm sự đầy nghẹn ngào của một bác sĩ, được đăng trên báo Vnxpress. Hy vọng qua bài viết này, mọi người có những nhìn nhận đúng đắn nhất về ngành Y.
 
nghề Y
 
Nghề Y cao quý nhưng rất vất vả (ảnh minh họa)
 
Ước mơ làm bác sĩ từ thuở “lọt lòng”
“Tôi thấy các bạn trẻ bây giờ băn khoăn khi chọn nghề nên viết câu chuyện có thật của đời mình mong các bạn có cái nhìn đúng, đừng nghĩ làm bác sĩ là sướng.
Tôi sinh ra ở một vùng quê, nhà nghèo lắm, là con thứ 8 trong gia đình. Tuổi thơ tôi lớn lên tự nhiên như cây cỏ. Tôi thích làm bác sĩ từ khi chưa đi học vỡ lòng. Tôi nhớ rằng tất cả đám ma ở quê hồi ấy tôi đều lân la đến xem vì sao họ chết. Có người thì bị chó dại cắn, cái chết nhìn một lần mà không quên biểu hiện bệnh, người thì có cái nhọt ở bẹn cũng chết. Tôi thắc mắc lắm vì mình trẻ con bị đầy mụn mà có chết đâu...
Tôi hỏi cha mẹ không ai cho tôi câu trả lời thuyết phục. Tôi quyết học y từ đây để tìm hiểu, hy vọng cứu sống người. Thời đó ở quê không mấy người đỗ đạt y ngay từ năm đầu, có người thi 3-4 lần mới đỗ nên tôi biết phải cố gắng học lắm. Tôi đã nỗ lực như vậy suốt các năm phổ thông và may mắn đỗ Đại học Y Hà Nội ngay lần đầu. Thi xong đại học tôi nặng 40kg, cao 1,54 m. Tập quân sự xong, ăn cơm nhà bếp 2 suất mỗi bữa, 2 tháng sau nhập học tôi béo lên 47 kg. Vậy nhưng khi tốt nghiệp, tôi còn 37kg mà không hề bị bệnh gì.
 
Nghề Y áp lực, cơ cực đủ đường
Trong thời gian học đại học, lúc nào tôi cũng bị áp lực phải học lấy điểm cao vì lúc ấy bắt đầu có một số bạn phải đóng học phí, cứ hết một học kỳ là xét lại. Nhà nghèo mà phải đóng học phí thì chỉ có về quê. Tôi chẳng dám yêu ai suốt 4 năm đầu đại học, đến năm thứ 5 có một anh gia đình cũng nghèo như nhà mình, cũng chịu khó học hành thì hẹn hò, cũng cho anh ấy đi trực, đi học cùng để hiểu về nghề của mình. Anh ấy có vẻ thích, tự hào về công việc của người yêu, cũng thấu hiểu... Thế là yêu, sau 4 năm nữa thì cưới, tình đầu cũng là tình cuối, chồng tôi giờ đó. Nghĩ đến giờ tôi vẫn xót xa.
Ra trường, tôi về quê xin việc, tưởng về quê là dễ, nhưng họ bảo không có chỉ tiêu, ấy thế mà cứ thấy cử y sĩ đi học chuyên tu lên bác sĩ để làm, còn bác sĩ xịn thì không nhận. Tôi lang thang làm các kiểu để kiếm tiền nuôi thân, luôn đau đáu là sẽ xin làm bác sĩ. Tôi làm không lương gần 3 năm thì được ký hợp đồng, sau 8 tháng nữa thì vào biên chế. Trong đó có 6 tháng liền cả ngày chỉ ăn bữa tối ở nhà chồng, còn bữa sáng nhịn, bữa trưa là một nắm cháy cơm nhà bếp. Mà phải ý tứ, đợi người ta bán hết cơm rồi ra xin cháy, kiểu thích ăn cháy nên xin, chứ ai biết khổ thế thì xấu hổ, rồi sợ người ta không giúp mình vào làm vì mình nghèo thế.
Trong thời gian làm không lương, ai thuê gì tôi làm nấy, nhịn ăn, nhịn mặc, chẳng gặp bạn, sợ đám cưới mời... Mọi người sẽ hỏi tôi sao không xin chồng tiền lúc khó khăn thế. Xin thưa, anh ấy cũng nghèo, mà còn phải lo cha mẹ, con, mình đam mê làm bác sĩ nhưng cũng là ích kỷ khi đẩy gánh nặng cơm áo cho chồng. Chồng cũng không muốn vợ làm bác sĩ, muốn vợ làm nghề khác, làm giờ hành chính bình thường không đi trực. Thế là cãi nhau suốt, suýt bỏ nhau.
Đi trực thì mang con gửi bố mẹ đẻ trông, về sau ông bà đi vắng thì ôm con theo đến bệnh viện, biết là sai nguyên tắc mà vẫn phải làm thế. Con ngủ trên giường, mẹ ra khám cấp cứu bệnh nhân. Con ngủ mê ngã lăn xuống đất chảy cả máu mồm, sưng u đầu, hôm sau về chồng xót con lại mắng vợ. Những năm tháng ấy sống trong nhà mà cứ luôn cúi mặt, thấy mình vô tích sự, kiếm ít tiền chẳng có tiếng nói... Buồn...
Tính đến giờ ngoài 6 năm học đại học thì mình đi học tập trung, liên tục khoảng 5 năm nữa. Mà đi học thì chỉ có lương cứng, mất hết phụ cấp ngành 40% nên biết thân phận kiếm tiền ít thì phải tiết kiệm. Tôi làm hết việc nhà, tự dạy con học chứ không dám đi thuê. Cũng định làm phòng khám tư nhưng lo vừa thuê nhà, đi học, chăm con liệu có kham nổi không, hay là lỗ vốn. Mà cái vụ làm tư ngoài khả năng chuyên môn thì cũng cần may mắn thì mới thành công.
 
   nghề Y   
 
Vụ án BS Lương kéo dài không chỉ là nỗi đau của riêng ai 
 
Bây giờ, tôi gần 43 tuổi rồi, không nghèo như xưa nhưng cũng không giàu, chắc là hơn cái thời đói khổ ở quê thôi. Niềm vui duy nhất của nghề là chữa được bệnh cho người thân, cho nhiều người bệnh nhưng cũng có bệnh nhân hoặc người nhà quá đáng, tuy ít. Giờ buồn thì cũng chẳng thay đổi được gì nghề đã chọn nữa. Tôi không biết ai làm bác sĩ mà giàu, chứ bạn học đại học y cùng tôi thì cũng chỉ làng nhàng về thu nhập thôi. Đứa nào bỏ đi làm buôn thuốc thì còn khá, chứ làm bác sĩ thì như tôi đây tự nhận thấy mình chưa trọn vẹn với gia đình, con cái. Thế nên con trai đầu không thích y, mình chẳng khuyến khích.
Nó nói con không muốn con con nó khổ như con ngày xưa. Còn chồng mình thì mình không dám trách vì anh ấy phải lo làm kinh tế cho mình được đam mê nghề là may rồi, chồng mắng cũng phải chịu. Nếu có kiếp sau nhất định mình không làm bác sĩ nữa. Các bạn nào là nữ làm bác sĩ thì phải được bạn đời thấu hiểu, chia sẻ không thì cực lắm. Chồng tôi khi yêu cũng hiểu, chia sẻ đấy, nhưng đến lúc sống cùng chắc thấy cực quá, làm khổ lan sang người ta nên người ta nản. Đừng tưởng làm bác sĩ mà sướng nhé.
Thấu cảm trước tâm tư đó, một người khác trong ngành Y cũng chia sẻ: "Tôi bác sĩ hơn 30 năm ở 1 bệnh viện lớn thuộc Bộ Y tế tại Hà Nội, cuộc sống không đến mức khó khăn như chị nhưng đọc câu chuyện của chị vẫn rớm nước mắt vì nó đúng với biết bao người đồng nghiệp, đồng môn của tôi. Người có thu nhập tốt không nhiều và phải làm việc 12-14 tiếng/ngày, kể cả ngày nghỉ cuối tuần. Phần lớn các bác sĩ ở bệnh viện tuyến tỉnh/quận/huyện thì thu nhập cũng chỉ đủ nuôi thân và nuôi con học hành. Hầu hết các bs phải học trong trường tối thiểu 8 năm, người nhiều thì 12-13 năm, và phải tự học cả đời. Không nói tới kiếp sau. Con chị không học y là tốt rồi. Con trai tôi cũng vậy. Dù sao, nghiệp của chúng ta là chữa bệnh, và bản thân mình hy sinh là đủ rồi".
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có rất nhiều người cảm thấy tự hào và quyết không hối hận khi đã “dẫn thân” vào nghề Y bác sĩ: “Ngành Y hay nói rộng hơn là ngành khoa học về sức khỏe là ngành nghiên cứu liên quan đến sức khỏe con người: từ phòng bệnh, chữa bệnh, thẩm mỹ, phục hồi chức năng....với mục đích cao cả là mang lại sức khỏe về thể chất và tinh thần tốt hơn. Chúng ta biết mọi sản phẩm, của cải trong xã hội do chính con người tạo ra, nhưng khi tìm hiểu về con người thì không phải không còn bức tường ngăn cách về sự hiểu biết của khoa học lên chính con người chúng ta, vì thế ngành khoa học về sức khỏe nói chung và Y khoa nói riêng đòi hỏi sự đam mê và phải được đào tạo bài bản kèm khả năng tự đào tạo tốt của chính bản thân người làm công tác về sức khỏe. Riêng tôi vẫn rất tự hào mình đã chọn ngành Y và hiện đang công tác trong lĩnh vực Nội thần kinh”.
Có rất nhiều lý do để chúng ta chọn ngành Y. Có lẽ cứu người là lẽ sống, là khát vọng, là nghĩa cử cao cả khiến bao người sẵn sàng hy sinh, hy sinh tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất để miệt mài trên giảng đường, hy sinh hạnh phúc gia đình để đổi lấy sự sống cho nhiều người khác: "chị có thể đã thành đạt và giàu có nếu chị chọn ngành khác. Nhưng "em có thành đạt và giàu có chưa chắc em mang tiền bạc mà giúp đỡ mọi người, nhưng làm bác sỹ có thể em không có tiền bạc để giúp đỡ người khác nhưng cái nghề thiết thực đó em có thể giúp đỡ mọi người" đó là lời khuyên khi em tôi đỗ cả 3 trường đại học và cuối cùng em cũng chọn học nghành Y", một tài khoản khác bình luận.
Ai cũng có lý do riêng của người đó. Còn chúng ta phải thừa nhận rằng, học, làm nghề gì cũng có những nỗi vất vả nhất định. Điều quan trọng là ở bản thân mỗi người như thế nào, đã chấp nhận "dẫn thân" thì cần xác định, chuẩn bị tâm lý để kiên trì theo đuổi đến cùng dẫu có khó khăn, thử thách. Vượt được qua những điều đó thì mới gặt hái được thành quả. Chứ nếu không ai chọn nghề Y thì ai chữa bệnh, cứu người, duy trì xã hội,...phải vậy không? 
 
Theo caodangykhoaphamngocthach