Giải bài toán thiếu hụt nhân lực y tế chất lượng cao

     
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng khẳng định, nhân lực y tế và cơ sở vật chất tuyến y tế cơ sở hiện nay, đặc biệt là trạm y tế xã, phường chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của người dân về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và dự phòng cũng như khám, chữa bệnh. Do đó, người dân chưa tin tưởng, kéo theo xu hướng vượt tuyến, gây quá tải không cần thiết cho tuyến trên, tiêu tốn nhiều tiền của do phải chữa bằng các kỹ thuật cao và không cần thiết.
 

Băn khoăn chất lượng

Theo thống kê chung về nhân lực ngành y tế, hiện cả nước có khoảng 345.000 nhân viên y tế, trong đó số lượng bác sĩ là trên 55.000 người, tương ứng với tỷ lệ 7,2 bác sĩ/ 1 vạn dân, còn số y tá và hộ lý là 105.000 người, tương ứng 13 y tá, hộ lý/1 vạn dân. Nhìn chung, tỷ lệ này cũng được xếp vào nhóm có tỷ lệ cao trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Phillippines và tương đương với Indonesia. Số cán bộ y tế có trình độ cao, chuyên sâu còn chưa nhiều. Hiện nay số cán bộ y tế trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm tới trên 1/2 tổng số cán bộ, trong khi số cán bộ có trình độ đại học chỉ chiếm khoảng 1/3 và số cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên khoảng 10%.

Tình trạng thiếu nguồn lực trầm trọng thể hiện rõ nhất tại vùng sâu, vùng xa, các bệnh viện tuyến dưới và các trạm y tế tại địa phương. Khảo sát mới nhất của Bộ Y tế tại 26 trạm y tế mô hình điểm cũng cho thấy, chỉ có 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Yên Bái có đầy đủ bác sĩ tại các trạm y tế. Còn 8/26 trạm y tế chưa có bác sĩ làm việc tại trạm tế; 9/26 trạm chưa có y sĩ y học cổ truyền, 7/26 trạm chưa có dược sĩ; cơ cấu chưa phù hợp, có vị trí thừa, có vị trí thiếu.

Theo các chuyên gia, sau giai đoạn đào tạo nhân lực y tế tại đại học thì cần tiến hành đào tạo theo hai nhóm độc lập tập, bao gồm nhóm nhân lực khám, chữa bệnh là các bác sĩ chuyên khoa và nhóm nghiên cứu hàn lâm là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Từ trước đến nay, Bộ Y tế cũng có nhiều dự án để đầu tư cho các trường học, cao đẳng cũng như hệ thống y tế cơ sở. Tuy nhiên, đó là những đầu tư theo chiều dọc tức là đầu tư trang thiết bị giảng dạy hay đầu tư cho đào tạo giảng viên chứ chưa có dự án nào đầu tư cho đổi mới đào tạo dựa trên năng lực thực hành nghề nghiệp của bác sĩ hay điều dưỡng khi họ ra trường.

Hơn 8.900 cán bộ y tế cơ sở đã được đào tạo nâng cao năng lực thông qua Dự án HPET 
Nguồn: ITN

Để giải quyết triệt để bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực tại tuyến y tế cơ sở, Bộ Y tế đã phối hợp với Liên minh châu Âu và Ngân hàng Thế giới mở rộng việc đào tạo nhân lực cho tuyến y tế các tỉnh khó khăn thông qua Dự án Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET). Tại đây, cán bộ y tế sẽ được đào tạo chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình để quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng như huyết áp, tiểu đường và thực hiện lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân.

Sau gần 2 năm tích cực triển khai các hoạt động, đã có hơn 8.900 cán bộ y tế cơ sở được đào tạo nâng cao năng lực, bao gồm hơn 1.100 giảng viên và 7.800 cán bộ trạm y tế xã, cơ bản đạt được các chỉ tiêu đào tạo cam kết với nhà tài trợ. Trong công tác truyền thông, HPET đã sử dụng nhiều kênh khác nhau như truyền hình, truyền thanh tiếng Kinh và tiếng các dân tộc thiểu số, báo điện tử, triển lãm ảnh, sinh hoạt cộng đồng... để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, các thành tựu và tác động của quá trình đẩy mạnh phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Giám đốc Dự án HPET Nguyễn Ngô Quang cho biết, với khoản ngân sách 8,3 triệu Euro từ Liên minh châu Âu thông qua Quỹ ủy thác cho Ngân hàng Thế giới, trong 2 năm 2017 - 2018, Dự án đã thực hiện các hoạt động về nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu tại 10 tỉnh được đánh giá có chỉ số y tế thấp nhất cả nước gồm Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông.

Là một trong những địa phương triển khai đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay từ năm 2017, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông Trần Quang Hào cho biết, Dự án HPET đã ưu tiên đầu tư trang thiết bị cho 6 cơ sở thực hành bao gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa các huyện Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jút và Krông Nô. Việc đầu tư trang thiết bị y học gia đình cho 71 trạm y tế trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai.

“Trên cơ sở các tiêu chí đề ra, Sở Y tế đã cử 22 bác sĩ tham gia thi chuyên khoa I bác sĩ gia đình; lựa chọn 30 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế xã để triển khai dự án trong năm đầu tiên” - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông Trần Quang Hào chia sẻ.

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông Nông Văn Trường khẳng định, năm 2017, cơ sở hạ tầng nơi đây xuống cấp trầm trọng và thiếu thốn rất nhiều trang thiết bị. Mặc dù trạm y tế xã có hai bác sĩ nhưng không được đi học nâng cao trình độ chuyên môn thường xuyên. Khi dự án đi vào hoạt động, các bác sĩ tại đây rất vui mừng vì được nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức và được cung cấp đầy đủ trang thiết bị để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân.  

Thảo Mộc