Ngành y..trong tôi!

     
Suckhoedoisong.vn - Với tôi, dân ngoại đạo trong ngành Y - Mặc dù tốt nghiệp báo chí nhưng lại làm việc trong ngành đến nay đã hơn chục năm. Thời gian chưa phải là dài, nhưng từng ấy thôi cũng đã giúp tôi hiểu thêm về ngành Y, về dịch bệnh, về cuộc sống người bệnh, nỗi niềm, sự nhọc nhằn đằng sau mỗi tấm áo blu trắng.

Có đi nhiều, biết và viết nhiều, tôi  mới cảm nhận và càng thấy rõ hơn giá trị của cuộc sống, từ đó thêm trân trọng nghề thầy thuốc và điều đó càng làm tôi thêm gắn bó và yêu nghề hơn. Với nghề báo tôi hiểu rằng đích đến của những tác phẩm là chinh phục được trái tim bạn đọc, làm thế nào để họ có thể “ái, ố, hỉ, nộ” theo bài viết hay nhận ra cuộc sống của chính mình. Với nghề y - liệu tôi đã hiểu được bao nhiêu điều trong đó… Cứ thế, từng dòng ký ức, từng trang kỷ niệm chất chứa biết bao cảm xúc bỗng chốc ùa về trong tôi như những thước phim quay chậm…
 
Nhớ lần đầu tiên tác nghiệp tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hà Nam, tận mắt chứng kiến bệnh nhân bị tai nạn giao thông, bao nhiêu “bộ phận trong bụng” được phô bày ra trước mắt, tôi đã choáng váng, thậm chí còn nôn mật xanh mật vàng… Thế nhưng qua thời gian, theo dấu chân của đội ngũ thầy thuốc trên các mặt trận phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, chứng kiến lòng dũng cảm, sự tự tin của họ đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi trải nghiệm theo từng cung bậc cảm xúc của đội ngũ thầy thuốc.
 
Đã nhiều lần được trò chuyện cùng những y, bác sĩ, tôi phần nào hiểu được trách nhiệm lớn lao và công việc thầm lặng của những “thiên thần áo trắng”. Đó là những thầy thuốc trên mặt trận phòng chống dịch bệnh, họ ở trong “tâm dịch”  khống chế, ngăn chặn và dập dịch như: dịch cúm A (H5N1), (H1N1), SARS, Sởi, dịch bệnh chân - tay - miệng... Hay chỉ một bức tường ngăn cách bệnh viện với bên ngoài, Sự cách biệt mong manh ấy đủ tạo ra một thế giới khác. Ở Bệnh viện tâm thần, bên trong bức tường ấy, đội ngũ y bác sĩ đang sống chung với thế giới của những người “không giống ai”, tóc tai bù xù, ánh mắt vô hồn, thẫn thờ, những gương mặt bơ phờ, hoảng loạn, cười rồi lại khóc… Với Bệnh viện Phong và Da liễu họ lại tận tình chăm sóc thế giới của những người hầu hết đều bị tàn tật vì cưa chân, cưa tay, cắt ngón, đa phần họ đều không có nơi nương tựa nên ở luôn trong bệnh viện cho đến cuối đời, Đặc biệt hơn với những bệnh nhân mắc lao, mắc HIV/AIDS… thì đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía các y, bác sỹ … Chính những cử chỉ nhẹ nhàng và thái độ ân cần, niềm nở ấy một phần đã xoa dịu nỗi đau, giúp người bệnh có thêm nghị lực, niềm vui để sống và chiến đấu với bệnh tật. Không biết có bao nhiêu người bệnh được trở lại với cuộc sống, đã thoát khỏi bệnh tật để có cuộc sống khoẻ mạnh. Sự hy sinh thầm lặng cho nghề ấy, không phải ai cũng biết, các thầy thuốc ấy không chờ được khen ngợi hay biểu dương mà vẫn lặng lẽ hằng ngày, hằng giờ nỗ lực mang lại niềm vui cho mọi nhà, luôn “cháy” hết mình để xứng đáng với lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu”.
 
Có đi, đến, có chứng kiến mới cảm nhận được hết những việc làm ý nghĩa của đội ngũ thầy thuốc. Không có khoa nào trong bệnh viện tôi chưa đặt chân tới, rồi tôi chợt nhận ra rằng bệnh viện là nơi người bệnh tranh đấu, nơi nhận ra rõ nhất quy luật “sinh - lão - bệnh - tử”, nơi đây cũng là nơi người thầy thuốc và người nhà bệnh nhân thể hiện tình yêu vô bờ, lòng bao dung, sự chia sẻ với nhau và là nơi thử thách lòng kiêu hãnh, sự dũng cảm, khát khao sống trong bản thân mỗi con người. Đó là nơi người ta sẽ thấy những giọt nước mắt lăn dài sau những nụ cười và những nụ cười chua chát sau giọt nước mắt mặn đắng, đau khổ nhất. Có lẽ, càng thâm nhập vào ngành để tìm hiểu thông tin viết bài, được tận mắt chứng kiến những tình cảm chân thành ấy, tôi mới hiểu rõ hơn giá trị của cuộc sống và bản chất cao quý của ngành y.
Cách đây hai năm, khi ngồi chung chuyến xe với Bs Đỗ Trung Đông - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam tham gia đợt khám chữa bệnh cho các gia đình chính sách, tôi đã được nghe những câu chuyện vui buồn, những trăn trở trong ngành y, lời tâm sự với vẻ trầm ngâm của bác sỹ Đông làm tôi khắc khoải: “Là bác sỹ phẫu thuật đã nhiều năm, trải qua biết bao thăng trầm với nghề, vinh quang có, thất bại có, nhưng chưa khi nào một cảm giác chán chường đeo đẳng mãi trong tôi. Đó là khi phẫu thuật cho một bệnh nhân bị đâm rách nhiều đoạn ruột non. Thay vì lời cảm ơn, người nhà bệnh nhân lại nói: bác sĩ để cháu chết thì tôi đau một lần, bác sĩ cứu cháu sống, tôi sẽ lại đau suốt cuộc đời còn lại với nó”. Quả thật nghề y - “nghề làm dâu trăm họ”, bởi đối tượng thầy thuốc tiếp xúc chính là người bệnh và người nhà bệnh nhân. Mà họ thì không ai giống ai, từ bệnh tình đến suy nghĩ, thái độ, cách cư xử và để gần gũi, hiểu được điều họ muốn, không phải là chuyện dễ. Nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thực sự, họ đã không chọn nghề này…
 
Bác sỹ cũng là con người bình thường, cũng có “yêu, ghét, buồn, đau” và những nhu cầu bình thường khác. Và như vậy họ cũng có thể mắc sai lầm. Nhưng với sứ mệnh cao cả mà xã hội giao phó cho họ là “thầy thuốc”, vì vậy đòi hỏi dung lượng cho phép sai lầm của họ ngày càng hạn hẹp. Nghề y liên quan tới tính mạng của con người nên áp lực đặt lên vai của họ quá nặng nề. Tôi còn nhớ câu nói của một bác sỹ có tiếng trong lĩnh vực phẫu thuật: “Nghề y - một con đường gian nan, lắm chông gai, người thầy thuốc dù cố gắng đến mấy cũng khó tránh khỏi những mũi gai vô hình. Phẫu thuật cứu sống cả nghìn người chưa chắc đã nhận được một lời khen. Nhưng không may sơ xẩy một ca thì thân bại danh liệt”. Có lẽ trong cuộc sống cần có cái nhìn bao dung hơn, thông cảm hơn với cán bộ ngành Y, bởi có ai đó khi vào bệnh viện cảm thấy khó chịu vì gặp những y, bác sĩ quá kiệm lời, thiếu niềm nở và nghĩ không hay về người thầy thuốc. Thế nhưng hãy ở trong bệnh viện vài giờ, quan sát các y, bác sỹ phải liên tục tiếp cận và xử lý với nhiều ca bệnh, trong đó có nhiều bệnh nan y, nhiều thứ bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của người thầy thuốc, ta mới hiểu và cảm thong bởi hằng ngày, hằng giờ, các y, bác sỹ tiếp xúc với những cơ thể bệnh tật, những máu, mủ với đủ thứ vi trùng, vi rút… Khi vào ca trực là các y, bác sỹ sẵn sàng thức thâu đêm suốt sáng, đứng bên bàn mổ, thần kinh căng thẳng trong nhiều giờ liền, xong ca mổ bủn rủn cả tay chân và đói lả… Vì sức khoẻ và tính mạng của nhân dân, người thầy thuốc từng giờ, từng phút, từng giây chiến đấu giành giật với tử thần để đem lại sự sống cho con người.
 
Đi nhiều, chứng kiến, cảm nhận từng công việc của đội ngũ thầy thuốc tôi nghĩ có rất nhiều hy sinh mất mát của đội ngũ y bác sĩ vẫn chưa được xã hội nhìn nhận một cách đúng đắn, đánh giá một cách khách quan những đóng góp của ngành y tế đối với xã hội. Tuy rằng trong thực tế, ở đâu đó còn có người than phiền về y đức của thầy thuốc, về sự tắc trách thiếu tinh thần trách nhiệm của cơ sở y tế nào đó, nhưng đó chỉ là con số ít, không thể làm phai mờ những thành tích đáng tự hào mà ngành Y tế nước ta đã đạt được. Với tôi đội ngũ thầy thuốc không đơn thuần chỉ là nghề để kiếm sống, mưu sinh mà là nghề thực hiện sứ mệnh thiêng liêng là cứu người “từ tay tử thần”, đó là một chặng đường dài đầy gian khổ và một đức hy sinh vô bờ bến của họ. Trong tôi, họ như những ngọn nến luôn cháy hết mình cho sự sống của con người.
 
Vân Dung - Sức Khỏe Đời Sống